Có những hành động giống nhau nhưng xuất phát từ những động cơ khác nhau. Một hành động đáng quí có thể xuất phát từ những động cơ không đẹp lắm. Có khi chính ta bị bản thân ta đánh lừa rồi lầm tưởng việc ta làm xuất phát từ lòng bác ái, quảng đại của mình, nhưng đích thực là ta chỉ đang “ve vuốt” cho “cái tôi” của chính mình…
Vào mỗi chủ nhật cuối những tháng lẻ, tức vào những tháng 1, 3, 5, 7, 9, 11, nhóm bạn đại học của tôi lại gặp nhau. Chúng tôi đã thống nhất như thế từ ngày ra trường, và chưa có một tháng nào chúng tôi lỗi hẹn dù đứa nào cũng trăm công nghìn việc. Mỗi lần gặp nhau, ít nhất là bốn đứa có mặt. Nhóm chúng tôi gồm có bảy đứa con gái, chẳng đứa nào cùng quê, mỗi đứa một tính, mỗi hoàn cảnh, nhưng chúng tôi có một điểm chung đó là cùng vào Sài Gòn đi học, ở lại làm việc nơi đây và rất yêu thương nhau.
Dù bằng tuổi nhau hết, nhưng chúng tôi đều xem N. như là em út trong nhóm và dành cho nó nhiều sự quan tâm hơn cả. Nó lớn lên bằng sự cưu mang của bà ngoại, và chưa bao giờ có trong đầu một hình dung về khuôn mặt hay bóng hình của hai người đã sinh ra nó.
Chúng tôi đã cùng “cưu mang” và dắt dìu nhau qua bốn năm đại học, những lúc vui buồn hay no đói đều có nhau. Chúng tôi đã yêu thương nhau như những chị em ruột thịt, và nhất là sáu đứa tôi chưa từng thấy N. là một gánh nặng, dù có những lúc sáu đứa phải nhịn bớt tiền ăn, nhịn tiêu vặt và có khi phải đi làm thêm để phụ N. đóng học phí hay gửi về cho bà ngoại những lúc bà đau ốm. Chúng tôi nghĩ những điều đó xuất phát từ một tình cảm trong sáng, chân thành và vô vị lợi, cho đến hôm chủ nhật vừa rồi…
Hôm đó, N. đi công tác không về kịp buổi gặp mặt của nhóm. Sáu đứa chúng tôi có mặt đầy đủ. Sau mục “điểm tin” về tình hình công việc và yêu đương của từng đứa, L. ra vẻ nghiêm trọng và thông báo cho chúng tôi một tin mà nó bảo là nóng hổi, vừa thổi vừa kể: “N. đã trúng tuyển vào một công ty nước ngoài”, với mức lương mà cả sáu đứa chúng tôi đều trợn mắt và ồ lên khi nghe L. nói. Chẳng có đứa nào trong sáu đứa tôi hiện tại có được mức đó.
Thông tin này đã làm cho không khí náo nhiệt, hào hứng của chúng tôi lắng xuống. Đứa thì thở dài, đứa thì ngoảnh mặt đi, đứa thì chau mày: “Giờ nó ngon rồi, không cần tụi mình nữa đâu”, K. lên tiếng. Tiếp theo là năm đứa còn lại lần lượt thể hiện sự đồng tình: “Uh, tụi mình giờ chẳng là cây đinh gì trong mắt nó nữa đâu”, “Giờ con người ta là trưởng phòng ở một công ty nước ngoài rồi, đâu có quởn để ra ngồi đây với tụi mình nữa”… H. kêu tính tiền, rồi chẳng ai bảo ai, mọi người đứng dậy ra về mang theo một điều gì đó hết sức nặng nề, dường như không nén nổi trong lòng nên mặt ai nấy đều chảy dài một nỗi thất vọng.
Tôi chợt nhận ra rằng, chúng ta rất dễ dàng mở rộng vòng tay với người khác khi họ ở trong hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ hơn chúng ta, hay không thành công bằng chúng ta. Chúng ta hết sức rộng rãi khi đứng bên trên “rót” lòng thương xót xuống những kẻ bên dưới mình. Chúng ta chỉ thích đứng ở vị thế của người “ban ơn” cho kẻ khác. Không chỉ là những đồng xu lẻ, mà cả những đồng tiền chẵn chúng ta cũng không hề tiếc khi giúp đỡ những người kém may mắn…, nhưng chúng ta khó chấp nhận được rằng, họ sẽ vươn lên bằng chúng ta hoặc cao hơn chúng ta.
Bởi khi đó, chúng ta thấy lòng tự trọng của mình dường như bị tổn thương vì họ không còn lệ thuộc vào chúng ta nữa, và dường như chúng ta không còn quan trọng với họ nữa.
Và tôi giật mình tự hỏi: đâu là giá trị đích thực của tôi?
(Trích cuốn “Vitamin Cho Tinh Thần“)
- Công Thức Cô Đặc Để Sống Khôn Ngoan - 16 Tháng Bảy, 2024
- Hạnh Phúc Là Gì? Vì Sao Bạn Lại Cảm Thấy Không Hạnh Phúc? - 16 Tháng Bảy, 2024
- Giao Tiếp Kém Vì Quên Điều Này – Mách Nhỏ Mẹo Cho Bạn - 16 Tháng Bảy, 2024