“Học Đại” Đại Học

Vào ĐH vì thật sự…chẳng biết làm gì!

Bạn vẫn có thể làm công việc mình đam mê mà không cần phải đi qua con đường lấy cho được tấm bằng đại học! Đó là một trong nhiều thông điệp thú vị mà bộ phim “Lò đào tạo quái vật” (Monsters University) gửi gắm đến các bạn trẻ. Miễn là ước mơ và mục đích sự nghiệp của bạn vẫn khắc sâu trong đầu và hằng ấp ủ trong tim, thì việc chạm tới điều bạn khao khát là hoàn toàn có thể.

Đó là cảm nhận của tôi sau khi xem bộ phim hoạt hình thú vị này.

Học đại học, với không ít bạn trẻ, thường đồng nghĩa với việc: tôi không biết làm gì với cuộc đời tôi, vì vậy, tôi đi vào trường! Đó là “chiến thuật” trì hoãn khéo léo của những người không biết được họ thật sự muốn gì trong cuộc đời. Nhưng hãy nhớ rằng, một khi bạn không rõ mục đích cuộc đời, ước mơ sự nghiệp, điểm mạnh bản thân… thì việc vào “hang trú ẩn” đại học không giúp bạn giải quyết được vấn đề.

Nếu bạn không đi học đại học và bắt đầu đi làm từ tuổi 18 (có rất nhiều việc bạn có thể làm mà không cần tấm bằng đại học), bạn có thể trải qua nhiều công việc khác nhau để chọn cho mình một công việc phù hợp. Còn nếu bạn bắt đầu đi làm từ năm 23 tuổi sau khi tốt nghiệp đại học, thì cơ hội thử nghiệm công việc của bạn giảm đi rất nhiều, vì lúc này, bạn rất sợ rủi ro bởi mang vác gánh nặng tấm bằng đại học trên lưng. Bạn hoàn toàn có thể đi làm và học tập ở trường đời ngay trong chính công việc bạn làm, hoặc học đại học nếu thật sự lúc bấy giờ bạn thấy cần thiết với nhiều cơ chế học đại học thoáng như hiện nay: học từ xa, học tại chức để vừa học vừa làm, hoặc học các chương trình ngắn hạn phục vụ công việc.

Đừng bỏ lỡ 👉  Nhà Quản Lý Chinh Phục Lòng Người

Hãy xem con đường đi lên và đạt được công việc mong muốn của 2 bạn trẻ quái vật Mike và Sullivan trong phim “Lò đào tạo quái vật”, bạn sẽ thấy rõ điều này.

Tóm lại, nếu bạn vào đại học và theo đuổi một ngành học không phù hợp với đam mê và thế mạnh của bạn xem như bạn vô cùng lãng phí những năm tháng đi học của mình.

ĐH thậm chí không dạy bạn cách làm thuê

Theo khảo sát 457 doanh nghiệp của Hiệp hội các trường Đại học và Doanh nghiệp quốc gia (NACE), các phẩm chất và kỹ năng quan trọng của người đi làm theo đánh giá của nhà tuyển dụng là (theo thang điểm 5, với 5 là quan trọng nhất và 1 là không quan trọng):

  1. Kỹ năng truyền thông (nói và viết) – 4.69
  2. Thành thật/Ngay thẳng – 4.59
  3. Kỹ năng làm việc nhóm – 4.54
  4. Kỹ năng Quan hệ con người – 4.50
  5. Đạo đức làm việc – 4.46
  6. Động lực/Sáng kiến – 4.42
  7. Linh hoạt/Thích nghi – 4.41
  8. Kỹ năng phân tích – 4.36
  9. Kỹ năng máy tính – 4.21
  10. Kỹ năng tổ chức – 4.05
  11. Kỹ năng định hướng chi tiết – 4.00
  12. Lãnh đạo – 3.97
  13. Tự tin – 3.95
  14. Thân thiện – 3.85
  15. Kỹ năng cư xử tốt/Lịch sự – 3.82
  16. Bặt thiệp – 3.75
  17. Điểm số – 3.68
  18. Sáng tạo – 3.59
  19. Hài hước, vui vẻ – 3.25
  20. Chấp nhận rủi ro – 3.23

Rõ ràng, điểm số ở trường không hề đảm bảo cho bạn việc làm tốt, nếu bạn “bỏ lơ” các kỹ năng và phẩm chất cần rèn luyện và học tập khác. Ở một số ngành kỹ thuật, y học thì điểm số quan trọng hơn một chút, nhưng chỉ là điều kiện cần. Với những ai từng học ĐH Việt Nam (như tôi), từng dạy ĐH Việt Nam (cũng là tôi) hoặc đang học ĐH đều hiểu rõ: để sinh viên có điểm tốt, sinh viên phải đáp ứng yêu cầu của… giảng viên về cả kiến thức lẫn “hình thức”.

Đừng bỏ lỡ 👉  Tăng Hiệu Quả Công Việc, Nâng Chất Lượng Cuộc Sống

Vậy muốn thành công chỉ riêng trong việc làm thuê, bạn cần biết bổ sung những thứ còn thiếu trong những năm tháng học ĐH bằng bất cứ con đường nào: học thêm. làm thêm. sinh hoạt, tự trui rèn, làm chủ cách sống… ĐỪNG nghe những người đang sống bám về DANH hoặc LỢI vào ĐH Việt Nam bảo “cứ cố học lấy điểm số cao đi” để rồi xin việc làm thuê cũng không xong. Bạn tự hiểu vì sao họ phải nói như vậy rồi.

Tôi không khuyên bạn bỏ học hay “cố tình” học kém, tôi khuyên bạn hiểu rõ việc học và vai trò của điểm số để học khôn ngoan, nhất là những bạn đang học sai ngành mà không dám bỏ ĐH vì học xong bạn cũng chẳng dùng gì “chút” thứ kiến thức chuyên môn đó.

Quách Tuấn Khanh
Liên hệ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *