Câu chuyện Đại Học (p2)

Chưa bàn đến chất lượng đào tạo của đại học nước ta hiện nay, chỉ lý thuyết suông mà nói thì đào tạo đại học là tạo ra những con người có thể làm được những công việc chuyên môn mà xã hội cần như: bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, nhà báo, nhà tiếp thị, kế toán…

Nhưng để một người vào đời thành công thì cần nhiều yếu tố khác ngoài một lĩnh vực chuyên môn, đó là sự phát triển các mặt như: trí tuệ, tâm linh, quan hệ xã hội, gia đình, sức khỏe, tài chính, sự nghiệp… Như vậy chúng ta thấy, nếu chỉ dựa vào đào tạo đại học không thôi thì thiếu rất nhiều mặt khác để một người có thể bước vào đời vững vàng, chứ chưa nói đến chuyện thành công. Xét cho cùng, đào tạo đại học chỉ là nền tảng ban đầu cho việc tạo lập về mặt sự nghiệp và một phần nào đó về mặt tài chính, còn những mặt khác thì chúng ta phải học ở một nơi khác, bằng một cách khác.

Như vậy, đào tạo đại học dù có chất lượng cao thì vẫn chưa “bao phủ” được các mặt thiết yếu cho sự phát triển toàn diện một con người. Xét về một mặt nào đó thì đào tạo đại học biến con người thành nô lệ của việc kiếm đồng lương, còn những mặt khác trong cuộc sống thì vô cùng khiếm khuyết. Điều này được tác giả Robert Kiyosaki đề cập và phân tích rất rõ trong những cuốn sách Cha giàu, cha nghèo (Rich Dad, Poor Dad). Học xong một chương trình đại học tốt xem ra vẫn còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết, và sinh viên phải thấy sự cấp thiết của việc bổ sung nhiều kiến thức và hiểu biết khác.

Đừng bỏ lỡ 👉  “Học Đại” Đại Học

Một sự thật mà có nhắm mắt lại chúng ta vẫn nhìn thấy ở Việt Nam, đó là: phần lớn sinh viên tốt nghiệp ra trường hầu như làm những công việc không đúng chuyên ngành họ được đào tạo. Không ít những bạn cầm tấm bằng đại học trên tay mà ngơ ngác, hoang mang, không biết mình có thể làm gì, làm ở đâu, làm như thế nào? Hơn bốn năm trời học miệt mài để lấy được một tấm bằng – bằng chứng công nhận rằng: “Tôi đã được đào tạo chuyên môn về lĩnh vực này”, có thể xem đây như là một “tấm vé” để đi vào làm việc cho các doanh nghiệp và nhiều tổ chức khác; thế nhưng thực tế là, một bên thì ngập ngừng khi “trưng” ra thành quả mấy năm trời của mình, một bên thì nghi ngờ khi chỉ căn cứ vào “tấm vé” để quyết định “mở cửa” đón người vào doanh nghiệp mình.

Vậy học đại học bạn được gì, mất gì?

Phần được xem ra khá ít, mà mất thì khá nhiều. Điều mất lớn nhất chính là cả một khung trời ảo tưởng mà các bạn sinh viên ôm vào đầu rằng: mình biết rất nhiều; trong khi thực tế thì họ chẳng vận dụng được vào cuộc sống.

Một số người ngụy biện: đào tạo đại học là giúp tư duy, biết cách tự học, biết làm việc chung với mọi người, biết đặt mục tiêu, biết làm chủ bản thân… Nhưng phải nhìn nhận sự thật là giáo dục đại học Việt Nam hiện nay đa phần chỉ dạy đối phó, dạy cho xong chuyện. Kiến thức được dạy cũ kỹ, lạc hậu, thiếu cập nhật, thiếu nghiên cứu. Giáo trình nếu có được tái bản thì chỉ là “tái đi tái lại” chứ không có gì mới mẻ cả. Về phía sinh viên thì học để đối phó, để có điểm, để qua các kỳ thi. Tình trạng này dẫn đến nhiều tiêu cực: môi trường giảng dạy và học tập trở thành “trung tâm thương mại”: mua điểm, bán điểm. Lẽ ra đó là nơi tôn vinh, tiếp truyền và làm lan tỏa những giá trị tri thức, thì khả năng “quan hệ” lại là giá trị được “công nhận” nhiều hơn: “đồng tiền đi trước thì điểm vào theo sau”.

Đừng bỏ lỡ 👉  Bộ trò chơi Cashflow Tiếng Việt

Cuối cùng, nhìn lại trong tay một sinh viên ra trường là gì? Là một mẩu giấy! Lẽ ra mẩu giấy đó chứng nhận ít nhất một chuyên môn để làm nghề, nhưng thực tế thì nó chẳng có giá trị là mấy khi mọi doanh nghiệp đều lắc đầu trước hầu hết chất lượng sinh viên tốt nghiệp ngày nay.

Quách Tuấn Khanh
Liên hệ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *