Hotline 0909 678 416 (Miền Bắc) - 0909 75 79 72 (Miền Nam) [email protected]

[Điểm sách] Giận – Thích Nhất Hạnh

Một trong những điểm yếu thường xuyên được đề cập đến trong tính cách của doanh nhân là hay nóng giận, dễ mất bình tĩnh, đòi hỏi cao hoặc muốn cầu toàn. Suy cho cùng, tất cả những nét tính cách này đều có thể dẫn đến cơn GIẬN.

Đối với doanh nhân nước ngoài, việc làm chủ cảm xúc, đặc biệt là khắc chế nóng giận còn là đòi hỏi cấp bách hơn nữa. Vì vậy, cuốn sách tựa đề Giận (Anger) của Thiền sư Thích Nhất Hạnh được đón chào nồng nhiệt ở nước ngoài. Ở Hàn Quốc, 1 triệu bản sách được bán hết trong một thời gian ngắn.

Bản dịch cuốn Giận của Chân Đạt do Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn ấn hành là một cuốn sách đáng xem, nghiền ngẫm và luyện tập theo cho những ai không muốn trở thành nô lệ của cơn giận, để rồi “giận quá mất khôn” và …mất tất cả.

thich nhat hanh gian

Hiểu rõ về cơn giận

Tác giả phân tích khá rõ là ta không thể tiêu diệt cơn giận được. Tất cả chúng ta đều có mầm móng cơn giận cũng như niềm vui trong người, giống như là trời đất phải có cả nắng lẫn mưa. Đối với một số người, mầm móng cơn giận có khi còn bám rễ sâu hơn do sự trao truyền từ ông bà, cha mẹ. Do đó, việc tiêu diệt cơn giận gần như là không thể, giống như việc ta phải cắt bỏ một phần cơ quan nội tạng của mình!

Cách thức mà một số người sử dụng để thoát cơn giận là đập phá, hoặc tìm chỗ trút. Khi ta nổi giận, năng lượng do cơn giận sinh ra rất mạnh mẽ, vì vậy ta có thể đá văng ghế, đập vỡ kính, thét to khản cả giọng, hoặc tìm chỗ hoặc người nào đó để “giận cá chém thớt” cho “hả giận”.

Khoa học đã chứng minh là cách này không giải quyết được căn nguyên cơn giận, nó chỉ tước mất năng lượng để nuôi dưỡng cơn giận, làm cơn giận không thể hiện ra ngoài, nhưng mầm giận vẫn còn trong người. Qua thời gian, khi số lần tích lũy mầm móng đủ, người nổi giận sẽ phản ứng rất dữ dội với đối tượng làm mình giận mà thậm chí không hiểu tại sao! Vậy cách “trút giận” như vậy hết sức nguy hiểm, có thể dẫn đến những tai họa khôn lường.

Không trút giận, không diệt giận, vậy thì phải làm sao?

Ôm ấp và chuyển hóa cơn giận

Cách duy nhất để hiểu rõ một người, một sự vật là phải quan sát đối tượng chăm chú. Để hiểu rõ cơn giận, từ lý do, mầm móng, hình hài, đến căn nguyên, gốc rễ, ta cũng phải quan sát nó.

Quan sát một cảm xúc bên trong con người mình, ta phải sử dụng một bài tập có tên gọi là chánh niệm, cho thân tâm lắng dịu và tập trung vào đúng hơi thở mà thôi. Khi chánh niệm được, ta mới quan sát trọn vẹn cơn giận của mình thông qua bài tập quán chiếu (nhìn sâu vào sự vật):

“Thở vào, tôi thấy một người đang giận dữ
Thở ra, tôi thấy người ấy đang khổ
Thở vào, tôi thấy cái giận tạo đổ vỡ nơi mình và nơi người
Thở ra, tôi thấy cái giận đốt cháy tất cả mọi công trình…”

Muốn giỗ một em bé đang khóc thét, người mẹ phải ôm con vào lòng, phà hơi ấm thì đứa bé mới dần lắng dịu được, sau đó người mẹ mới tìm cách giải quyết nguyên nhân làm bé khóc. Muốn dằn cơn giận, ta cũng phải ôm ấp cơn giận, xoa dịu nó, quán chiếu nó bằng ánh mắt và suy nghĩ trìu mến: “Này cơn giận của ta ơi, ta biết rằng em đang có ở đó, người bạn nhỏ quen của ta ơi.”

Khi nhìn sâu, ta sẽ thấy vì sao mình giận, lúc ấy ta mới giật mình rằng: không phải người làm ta giận, người chỉ là tác nhân thổi bùng lên lửa giận lúc nào cũng âm ỉ trong ta qua quá trình sống và trải nghiệm. Làm chủ được những đốm lửa giận trong mình, giải quyết chúng mới là cách căn bản hoán chuyển những cơn giận phát sinh.

Giúp người đang giận bằng tình thương

Thiền sư Thích Nhất Hạnh nổi tiếng trên thế giới với những bài nói chuyện và các cuốn sách viết về mảng đề tài: lắng nghe để hiểu rồi thương. Trong hầu hết các cuốn sách của ông, lòng thương người hay “từ bi” luôn được đề cập đến như một thứ năng lượng mạnh mẽ tác động lên người khác, một khi năng lượng ấy lan tỏa thì nhân loại sẽ được tắm mình trong hòa bình và tình yêu.

Nếu chúng ta nhận thức được cơn giận, chịu khó rèn luyện để làm chủ nó thì ta sẽ hết sức cảm thông với những người nổi giận: họ đang tự hại bản thân mình mà không biết. Vì vậy, nếu con cái có hiểu biết thì đừng hờn trách khi cha mẹ nổi giận, vợ đừng hờn dỗi khi chồng giận, nhân viên đừng bực bội khi sếp nổi nóng. Hãy hiểu cho đời sống căng thẳng, những bực dọc thậm chí đau khổ, bế tắc mà những người này đang gánh chịu kết thành cơn giận. Lúc này, bạn hãy dùng tình thương của mình mà thông cảm, rồi truyền thông khi thuận lợi để từ cơn giận không bùng nổ thành… chiến sự.

Với lối viết nhẹ nhàng, từ dùng dễ thương và đẹp, tác giả cuốn sách nhỏ Giận sẽ đưa bạn khám phá lại một số điểu nằm sâu trong bản thân, qua đó rèn luyện theo các bài thực tập gợi ý để bạn có thể làm bạn với cơn giận của chính mình. Lúc đó, bạn mới có thể mang đến niềm vui và hạnh phúc cho người khác.

Quách Tuấn Khanh

2 Comments

  1. Cám ơn anh Khanh rất nhiều, bài chia sẽ thật bổ ích.

  2. Anh co Nhan Xet rat Sau Sac & Tom Luoc Day Du Y Chinh cua “GIAN “! Neu Ai chua Biet ve Anh , co Le se Nghi Rang Anh theo Dao Phat !? Anh co Chinh Kien Ro Rang & Nhat Quan nen Kien Thuc Sau & Rong la Dung Roi !